Đến Đà Lạt, ai cũng là lữ khách…
Đà Lạt, thành phố mà chỉ cần nghe đến tên người ta đã có thể liên tưởng đến nhiều hình ảnh khác nhau. Mang trong mình nét hoài cổ trầm mặc đặc trưng không lẫn đi đâu được giữa những thành phố hiện đại khác với nhịp sống và sự thay đổi quá nhanh chóng làm con người ta choáng ngợp và mệt mỏi, Đà Lạt với những phong vị đượm màu thời gian của riêng mình như muốn níu kéo những hoài niệm cũ xưa của những lữ khách từng ghé qua nơi đây, như muốn đặt mình ra khỏi những quy luật về sự thay đổi và dòng chảy của thời gian…
Có một Đà Lạt vintage đượm màu thời gian không lẫn vào đâu được (Ảnh: Sưu tầm)
Chính vì vậy, cũng không hề khó hiểu khi Đà Lạt trở thành “nàng thơ” được yêu và có “nhiều người yêu” đến vậy. Và cũng không hề sai khi nói đây là thành phố có nhiều tên gọi nhất Việt Nam, người ta có thể gọi Đà Lạt bằng nhiều cái tên hoa mỹ dựa vào những đặc điểm của thành phố thơ mộng này, có người gọi nơi đây là “Thành phố ngàn hoa” vì thời tiết mát mẻ quanh năm ở đây rất thuận lợi để trồng hoa và vì vậy Đà Lạt sở hữu cho mình nhiều vườn hoa lớn, với những loại hoa đẹp đủ chủng loại khoe sắc quanh năm và có thể được tìm thấy ở mọi nơi trong thành phố. Nhiều người lại gọi nơi đây là “Thành phố mộng mơ” như trong lời bài hát “Đà Lạt Hoàng Hôn” sáng tác bởi nhạc sĩ Minh Kỳ-Dạ Cầm - bài hát chỉ cần nghe tên thôi cũng đã gọi lại bao hoài niệm tuổi trẻ của những thính giả thể hệ trước. Hay đối với thế hệ trẻ hơn họ say đắm Đà Lạt qua những giai điệu với “Phố sương mù, phố chưa lên đèn, lối quanh đồi nhớ mùa trăng cũ…” trong tình khúc vượt thời gian “Phố mùa đông” của nhạc sĩ Bảo Chấn thì cái tên “Thành phố sương mù” có lẽ là phù hợp nhất. Sẽ còn rất nhiều cái tên nữa mà người ta đã, đang và sẽ dùng để gọi Đà Lạt cho đến khi nào nơi đây còn “yêu” và “được yêu” vì mỗi người sẽ có cho mình một hình tượng riêng về thành phố ấy. Riêng đối với Kibitravel, cái tên “Thành phố cho những kẻ lãng du” có lẽ là cái tên phù hợp hơn cả để gọi về Đà Lạt. Bởi không chỉ với Kibitravel mà với tất cả những tâm hồn đam mê du lịch và khám phá, thành phố này có một vị trí đặc biệt hơn cả trong tâm trí của những kẻ lữ khách đã trót “cảm nắng” nơi đây.
Hình ảnh Đà Lạt hoàng hôn đã làm say đắm bao thế hệ. (Ảnh: Sưu tầm)
“Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ” (Ảnh: Đồng Ngô)
Một góc phố Đà Lạt sắp lên đèn (Ảnh: Đồng Ngô)
Một Đà Lạt Majestic đầy huyền diệu (Ảnh: Đồng Ngô)
Đà Lạt chìm trong sương đêm là một hình ảnh biểu tượng khó quên với những tâm hồn lãng mạn. (Ảnh: phuothot.com)
Gọi Đà Lạt là “nàng thơ” của những tâm hồn thích lãng du quả là không sai, bởi lẽ nơi này có đầy đủ tố chất để trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho những kẻ lữ khách thích mộng mơ. Đà Lạt vừa đẹp, vừa cuốn hút, thoáng đó chút hồn nhiên ngây thơ của nàng thiếu nữ băng thanh ngọc khiết giữa những giọt sương sớm lấp lánh dưới ánh nắng ban mai rồi lại thoáng đó sự u uất bí ẩn đầy lãnh đạm của nàng kiều nữ với nỗi buồn miên man thở linh hồn mình ra trong làn khói thuốc bàn bạc hòa quyện vào màn sương đêm dày đặc đang lặng lẽ phủ xuống những mái ngói đã phủ rêu của thành phố.
Có một Đà Lạt tinh khôi như nàng thiếu nữ giữa núi đồi (Ảnh: Hưng Nguyễn)
Cũng có một Đà Lạt chất chứa những nỗi buồn rất đẹp (Ảnh: Lê Đình Kim Ngân)
Không phải tự nhiên mà Đà Lạt đã làm tốn không biết bao nhiêu là giấy mực của mọi thế hệ nghệ sĩ khi những tâm hồn nhạy cảm ấy bị cướp đi mất bởi vẻ đẹp của nơi đây. Đấy là kiểu vẻ đẹp đầy quyến rũ và mê hoặc, tưởng như đã ở rất gần ngay trước mắt ta, thế nhưng khi ta với lấy thì không thể nào chạm đến được, càng không chạm đến được thì càng muốn có, mà ở đời, vốn cái gì càng đẹp thì càng tiềm ẩn trong mình nhiều nguy hiểm, Đà Lạt cũng vậy thôi. Thoạt tiên người ta sẽ không nhận ra nó, nhưng rồi đột nhiên, đến một buổi chiều tàn nào đó, có thể là lúc ta đang ngồi trong một văn phòng giữa bốn bức tường bộn bề giấy má và sổ sách, đầu óc xoay vòng trong những con số vô tri, cũng có thể là lúc tan tầm sau một ngày làm việc mệt nhoài, bị nhấn chìm trong dòng xe tấp nập, ồn ào và đầy khói bụi của chốn thị thành hay là lúc này đây khi ta buộc phải ở yên tại nhà bởi dịch bệnh đang hoành hành ngoài kia. Chính những lúc ta kiệt quệ đến thế, chán chường đến thế vẻ đẹp của Đà Lạt hiện lên một cách khắc khoải, quyến rũ và bí ẩn, khiến người ta thèm quá đỗi cái cảm giác se se lạnh khi sương giăng đầy trên tóc lúc thẩn thờ dạo quanh những góc phố vắng đã phủ rêu phong tự bao giờ, cái cảm giác được nhắm mắt lại và hít một hơi thật sâu vào trong lồng ngực mình cái hơi thở trong lành mát dịu mà Đà Lạt phả ra. Thèm quá đổi cái hơi ấm tỏa ra từ những bếp than hồng như những ánh lửa mập mờ giữa mù sương được thắp lên bởi những linh hồn lặng lẽ của vùng đất này. Từ những bếp than đó lại tỏa ra những làn khói trắng giữa mù sương mà hòa lẫn trong đó là thơm phức mùi hương của những bánh tráng nướng, bắp nướng mỡ hành, khoai lang nướng, cà phê, sữa ca cao, sữa đậu nành, … và rất nhiều những món ăn đặc sản khác của Đà Lạt đủ sức làm “ấm lòng” thực khách giữa trời đông.
Tương tư một thành phố, tại sao không? (Ảnh: Trung Kiên)
Chợ đêm Đà Lạt luôn tấp nập thực khách (Ảnh: ST)
Ẩm thực đường phố Đà Lạt đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng mà nhắc tới đã khiến người ta thấy “thèm” không chỉ bởi thức ăn ngon mà còn bởi không khí nơi đây. (Ảnh: Sưu tầm)
Người bình thường thấy một nghệ sĩ già biểu diễn giữa chợ đêm. Kẻ lữ khách thấy một chàng lãng tử đang tỏ tình với "nàng thơ" của mình (Ảnh: Sưu tầm)
Và đấy là lúc ta giật mình nhận ra, ta đã yêu Đà Lạt từ lúc nào và ta đang tương tư “nàng thơ” ấy mất rồi! Những lúc như vậy, như một hành động bộc phát theo phản xạ tự nhiên, ta muốn bỏ hết những lo toan của bộn bề cuộc sống, những công việc nhàm chán với sổ sách giấy tờ, ta muốn thoát ra khỏi bốn bức tường chật hẹp xung quanh đang giam cầm thể xác ta để đưa nó đến với nơi mà tâm hồn ta vốn dĩ đã tìm đến từ lâu - thành phố của những kẻ lãng du. Và rồi ta thấy mình trong một cuộc chạy trốn không hẹn trước, một cuộc “vượt ngục” đưa ta rời xa khỏi chốn thị thành ồn ào chật chội, chạy trốn khỏi những áp lực cuộc sống đang ghì chặt chân ta để đi tìm hình bóng của “nàng thơ” mà chính ta cũng không rõ mặt, như giai điệu trong bản nhạc “No face, no name, no number” của Modern Talking năm nào, chỉ khi ta nhìn thấy thứ mình tìm ta sẽ biết. Và biết đâu khi thành phố ấy hiện ra giữ mù sương chốn núi rừng sau khúc quanh của đoạn đường đèo, một cảm giác không hẳn là niềm vui, cũng không hẳn là nổi buồn sẽ chiếm lấy tâm hồn ta chỉ để lại sự bình yên thoải mái vô ưu và những cảm hứng lênh đênh đang trào dâng bất tận khiến hồn ta lâng lâng say đắm.
“Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa.
Người lưa thưa chìm dưới sương mù.” – (Ảnh Phạm Mạnh Dũng)
Đến Đà Lạt, ai cũng là nàng thơ (Ảnh: Nguyễn Thị Thán Uy)
Người ta thường nói: “Yêu rồi sẽ biết làm thơ” còn ai chưa biết yêu thì thử một lần đến Đà Lạt, biết đâu lại chẳng “tức cảnh sinh tình” mà vừa yêu thành phố này lại vừa biết làm thơ. Không phải tự nhiên mà nơi đây gắn liền với những chuyện tình đẹp nhưng có khi lại rất buồn, cảnh vật cũng như thời tiết của thành phố này luôn khiến cho con người ta, đặc biệt là những lữ khách vốn không quen với khí lạnh vùng cao, càng muốn đi tìm hơi ấm từ một tâm hồn cũng đang lẻ loi khác. Để rồi khi rời khỏi nơi đây, trở về với những ồn ào chật hẹp và nóng bức của Sài Gòn, cái ma lực quyến rũ đầy mộng mơ lãng mạng kia đã bị át đi bởi hiện thực cuộc sống phũ phàng với những lo toan thường nhật khiến người ta thấy những mộng mơ kia thật phù phiếm và phiền phức, để rồi lại “lạc mất nhau” giữa Sài Gòn rộng lớn. Có lẽ cái “lời nguyền” đi Đà Lạt sẽ chia tay mà giới trẻ vẫn đồn đoán kia hóa ra lại không phải là không có căn cứ. Nếu ta bỏ qua một bên những thế lực tâm linh huyền hoặc và giải thích nó bằng khoa học và tâm lý học thì có lẽ cũng không sai. Nếu ta ví tình yêu như chiếc đồ thị Parabol trong toán học thì Đà Lạt là yếu tố tạo ra điểm cực đại của đồ thị đó vì nơi đây vốn dĩ tự nhiên đã có cho mình một khung cảnh cùng không khí vô cùng lãng mạn, lại còn đầy ắp những cặp tình nhân. Vậy nên cũng không quá khó để lý giải được cái khả năng những tình cảm đã được đẩy lên đỉnh điểm đó sẽ tuột dốc sau khi con người ta rời khỏi thành phố êm đềm này để quay về với cuộc sống bộn bề thường ngày của mình như một quy luật tất yếu không thể tránh khỏi của cuộc sống, để rồi đường cong ấy chạm đáy và quay về con số không. Để lại trong lòng của những lữ khách đã lỡ yêu thành phố này và có một tình yêu ở nơi đây không gì khác ngoài những kỷ niệm đẹp rồi sẽ cũ đi, sẽ bỏ họ đi mãi mãi và lặng thầm trôi theo dòng chảy của thời gian để rồi một ngày nó cũng sẽ nhuốm một màu đầy hoài niệm trầm mặc như thành phố ấy, nhưng không thể nào bị lãng quên, bởi bộ não con người được cấu tạo để luôn nhớ về sự vui vẻ và hạnh phúc nhiều hơn là những kỷ niệm buồn, thử nghĩ mà xem…
Nàng thơ năm ấy giờ ra sao? (Ảnh: Phạm Lan Hương)
Thời tiết se lạnh khiến người ta xích lại gần nhau hơn (Ảnh: @_the_phan_)
Không phải tự nhiên Đà Lạt là thiên đường tình yêu với các cặp đôi. (Ảnh: Sưu tầm)
Nhiều cặp đôi vượt qua được "lời nguyền Đà Lạt" đã chọn nơi đây để chụp ảnh cưới và lưu lại những kỷ niệm đẹp nhất đời mình (Ảnh: Thạch Thanh Bình)
Trong đó có cả ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh (Ảnh: Khoa Alex)
Dù sao thì tình yêu với Đà Lạt, mặt khác, lại chẳng bao giờ có thể lụi tàn trong lòng những lữ khách đã “phải lòng” nơi đây. Bởi Đà Lạt vẫn giữ mình như một “nàng thơ” đầy thanh lịch, quyến rũ nhưng chẳng thể bị sở hữu bởi một ai, gần gũi đến thế nhưng lại chẳng thể nào bị chạm tới, không tin thì bạn cứ đi hỏi những nghệ sĩ đã trót “tương tư nàng” xem, những kẻ trong một đêm “say” chếnh choáng ngạo nghễ nghĩ đã chinh phục được nàng bằng ngòi bút ngông cuồng của mình, có nhiều kẻ thậm chí đã để lại những tác phẩm kinh điển cho đời, thế nhưng đến sáng hôm sau khi đã “tỉnh cơn say” mới biết đó chỉ là ảo vọng. Và như một lẽ thông thường tưởng chừng đơn giản: thứ không có được thì sẽ không mất được, vậy nên tình yêu với Đà Lạt vẫn mãi bỏng cháy ở đó trong lòng những kẻ lữ khách si tình dù có hay không một lời đáp lại…
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – chàng lãng tử đã một thời say đắm phố sương và
lấy đó làm nguồn cảm hứng sáng tác để lại cho đời những tác phẩm bất hữu.
(Ảnh: Sưu tầm)
Đà Lạt đã đem lại mối lương duyên để ông gặp nữ ca sĩ Khánh Ly tại café Tùng-một quán café vẫn còn hoạt động đến nay, đưa cả hai trở thành tượng đài nghệ thuật đã thay đổi nền âm nhạc Việt Nam (Ảnh: Sưu tầm).
Đà Lạt vẫn sẽ ở đó, thành phố yên bình ấy sẽ chẳng đi đâu cả dù cho dòng chảy của thời gian có làm cho nó ít nhiều thay đổi nhưng với những lữ khách vốn đã xem nơi đây như một ngăn tủ bí mật chứa những ký ức đã ngủ yên một thời, Đà Lạt chưa bao giờ bị lãng quên. Vậy nên nếu một ngày ta cảm thấy quá mệt mỏi với cuộc sống hiện tại, với vòng quay buồn tẻ của những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày khiến ta quên mất những khát khao của mình một thời tuổi trẻ. Ta muốn tìm đến một nơi thật bí mật và bình yên để trốn tránh những xô bồ, vội vã, để lại được sống những ngày tháng lãng du bình lặng, tiêu diêu tự tại, vô ưu vô lo và để tìm lại dù chỉ là một thoáng, một chốc những kỉ niệm cũ xưa mà ta tưởng chừng đã quên từ lâu thì thành phố bên đồi vẫn luôn ở đó, luôn giang tay chờ đón những kẻ say mê “nàng” trở về như cái cách mà những dãy đồi ôm trọn lấy thành phố ấy vậy. Hãy để Kibitravel, với tư cách là những lữ khách đã trót yêu thành phố này, là những “người hâm mộ” chân chính của “nàng thơ” Đà Lạt cũng như bạn trở thành người bạn đồng hành cùng “đưa nhau đi trốn” mỗi khi bạn “thèm Đà Lạt”, để chúng tôi có thể đem lại cho bạn những trải nghiệm gần gũi mà bình yên nhất, thơ mộng mà “Kỳ bí” nhất và đơn giản mà “Khác biệt” nhất mà không ở nơi đâu bạn có thể tìm được.
Kibitravel hẹn bạn một ngày không xa, tại “Thành phố của những kẻ lãng du” chúng ta cùng đồng hành trên hành trình của những kẻ mộng mơ!
- Hoàng Sang -