“Anh muốn kể Lai Viễn Kiều Hội phố
Đón đợi người sang nghiêng bóng sông chiều
Mái gỗ cầu cong sơn son chạm trổ
Mấy trăm năm rồi ngói vẫn ấm màu rêu”
Phố cổ Hội An – nơi mà cuộc sống cứ bình lặng như thế trôi. Hội An – nơi mà dường như dòng chảy vô tình của thời gian chẳng thể nào vùi lấp đi cái không khí cổ xưa. Những mái ngói cũ phủ đầy rêu phong, những con đường ngập trong sắc đỏ của đèn lồng, những bức hoành phi câu đối đỏ được chạm trổ tinh vi, tất cả như đưa ta về với một thế giới của vài trăm năm trước. Đưa ta xuyên qua dòng chảy của thời gian để tìm về một đô thị Việt Nam của ngày xưa, nơi mà cái không khí sầm uất náo nhiệt vẫn còn lưu lại trong những con hẻm nhỏ, trên những mái ngói phủ rêu phong. Đó mới chỉ là một phần dung dị ở khu phố cổ Hội An nhưng cũng đã đủ khiến người ta phải đắm say, đi quên lối về. Hãy cùng Kibitravel khám phá những vẻ đẹp đơn sơ, bình dị mà dễ làm ngây ngất lòng người của xứ cảng Faifo bạn nhé!
Đôi nét về Hội An
Thành Phố Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia v.v.. đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Danh xưng Faifo - Hội An được bắt đầu từ rất lâu và đây là một đề tài thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học, người yêu phố cổ Hội An quan tâm đặc biệt. Bởi nó có ý nghĩa rất quan trọng về định danh mà theo đánh giá của các nhà sử học quốc tế về sự hình thành và phát triển của Đô thị - thương cảng quốc tế Hội An: “là một kiểu mẫu tiêu biểu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á - châu Á thời Trung - Cận đại”. Cái tên Faifo bắt nguồn từ tiếng Pháp “Ville de Faifo” bắt đầu từ bản dụ của Vua Thành Thái ngày 20/10/1898 và 12/7/1899, và Nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 30/8/1899 cho thành lập thị xã Faifo – với Hoài (phô) phố, Hội (An) phố...
Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến du lịch Hội An trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam không chỉ với du khách trong nước mà còn với rất nhiều du khách quốc tế. Từ đó được ca ngợi là “Thành phố đẹp nhất thế giới”, “Thành phố đèn lồng”…
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ… Đến đây du khách du lịch Hà Nội Đà Nẵng sẽ có dịp chiêm ngưỡng các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngoài những giá trị văn hóa qua kiến trúc đa dạng, Hội An còn lưu giữ được nhiều hoạt động văn hóa phi vật thể với các lễ hội văn hóa đang được bảo tồn và phát huy cùng các làng nghề thủ công truyền thống, các món ẩm thực… làm cho Hội An ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.
Một trong những điểm đặc sắc nhất chính là nét cổ kính với khuôn màu Vintage Retro ở khắp mọi nơi mà ống kính của bạn lia tới. Đưa bạn "về với kiểu cũ để cổ điển, quán vắng không nhớ tên, phai màu sơn không rõ biển", một phong cách cực kỳ độc đáo mà lại không kém phần dễ thương sẽ hớp hồn bạn lúc nào không hay.
Phố cổ Hội An được UNESCO công nhân là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Kể từ đó, UNESCO đã xây dựng những chính sách quy hoạch đặc biệt và gửi các chuyên gia hàng đầu thế giới về đây để giúp chúng ta bảo tồn, xây dựng và tôn tạo nguyên vẹn và chu đáo một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á nên việc xây dựng ở đây rất khắt khe để không ảnh hưởng đến kiến trúc.
Du lịch Hội An vào thời gian nào ?
Thời tiết Hội An mỗi năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô kéo dài từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm, thỉnh thoảng tùy vào thời tiết từng năm có thể có những đợt rét nhưng không quá lạnh và kéo dài
- Thời điểm lý tưởng nhất đến Hội An là vào khoảng tháng 2 đến tháng 4, thời tiết lúc này hầu như không mưa và khá dễ chịu
- Đi Hội An vào ngày 14 âm lịch hàng tháng để tham dự đêm phố cổ. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội được nghe các bài hát cổ truyền, chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn ngon tuyệt, đặc biệt được tận mắt nhìn ngắm những chiếc đèn lồng đỏ rực giăng khắp phố
- Nếu muốn khám phá thêm Cù Lao Chàm, các bạn có thể đi vào khoảng giữa mùa hè, thời tiết nắng nóng sẽ phù hợp với các hoạt động khám phá biển.
Phương tiện di chuyển
Xe Khách
Từ Hà Nội và Sài Gòn (cũng như các địa điểm du lịch nổi tiếng dọc 2 đầu đất nước khác) đều có rất nhiều chuyến xe tới thẳng Hội An.
Máy bay
Hội An chỉ cách sân bay Đà Nẵng 30km nên việc lựa chọn phương án này đến Hội An là nhanh nhất và tiện lợi nhất
Tàu hỏa
Tương tự phương án đi máy bay, nếu đi tàu hỏa các bạn cũng có 2 lựa chọn là ga Đà Nẵng (30km) và ga Tam Kỳ (50km). Các bạn từ Hà Nội và phía Bắc thì nên dừng ở ga Đà Nẵng, các bạn từ Sài Gòn và phía Nam dừng ở ga Tam Kỳ thì sẽ đỡ tốn thời gian hơn so với việc về Đà Nẵng rồi đi ngược taxi trở lại.
Đi lại ở Hội An
Đi bộ
Hội An nhỏ xinh, khu phố cổ cũng không quá lớn để có thể đi bộ hết nên phương án này rất thích hợp với các bạn muốn hòa mình vào nhịp sống chậm rãi nhẹ nhàng nơi đây.
Thuê xe đạp
Đạp xe ở Hội An là một trải nghiệm rất đáng thử qua, đạp xe không quá mệt, cũng không quá nhanh, đủ để bạn đi một vòng khám phá phố cổ Hội An trong một ngày, đây cũng là phương tiện di chuyển chính của người dân nơi đây khiến bạn có cảm giác được quay về thời xưa khi chưa có quá nhiều phương tiện hiện đại gây ô nhiễm.
Tại nhiều khách sạn, resort ở Hội An luôn có chuẩn bị sẵn xe đạp cho khách lưu trú mượn hoặc thuê vs giá rất rẻ. Xe đạp có thể thoải mái đi lại trong phố cổ nhưng các bạn cũng lưu ý nên chọn giờ để đi. Phù hợp nhất là đi vào chiều hoặc sáng sớm, vừa mát mẻ lại vừa không quá đông đúc. Nếu sử dụng xe đạp đi buổi tối, nhất là những tối cuối tuần đôi khi tốc độ còn không thể bằng người đi bộ do tắc đường.
Xích lô
Đây là một trong các loại phương tiện được phép hoạt động ngay trong khu phố cổ. Nếu vẫn muốn có thời gian thư thả để ngắm Hội An nhưng lại hơi lười vận động, các bạn có thể thuê những chuyến xích lô chở khách đi dọc theo các tuyến phố. Vừa khỏe, vừa hoài niệm lại tạo công ăn việc làm cho các bác xích lô dễ thương!
Nếu quá lười vận động, các bạn có thể đi xích lô ngắm cảnh
Lưu trú ở Hội An
Hiện khoảng 90% số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều tập trung ở Hội An, số lượng cơ sở lưu trú tăng mạnh và phát triển dồi dào luôn khiến cho số lượng phòng ở đây nằm vượt số lượng cầu. Các bạn đến Hội An, ngoài một số cơ sở lưu trú quá nổi tiếng sẽ luôn đông khách, còn lại trong bất kỳ thời điểm nào các bạn cũng có thể dễ dàng tìm cho mình một địa điểm để dừng chân.
Nếu bạn đi vào dịp lễ thì cần đặt phòng trước để tránh hết phòng hoặc bị ép giá. Bạn có thể sử dụng dịch vụ đặt phòng khách sạn của Kibitravel để nhận được những mức giá tốt nhất với chất lượng luôn được chúng mình đảm bảo, không sợ hết phòng và nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn về giá và dịch vụ đi kèm!
Các địa điểm du lịch tại Hội An
Phố cổ Hội An
Khu phố cổ nằm trọn trong phường Minh An, diện tích khoảng 2 km², với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Nằm sát với bờ sông là đường Bạch Đằng, tiếp đó tới đường Nguyễn Thái Học rồi đường Trần Phú nối liền với Nguyễn Thị Minh Khai bởi Chùa Cầu. Do địa hình khu phố nghiêng dần từ Bắc xuống Nam, các con đường ngang Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ và Trần Quý Cáp hơi dốc dần lên nếu đi ngược vào phía sâu trong thành phố. Đường Trần Phú xưa kia là con đường chính của thị trấn, nối từ Chùa Cầu tới Hội quán Triều Châu. Vào thời Pháp thuộc, đường này được mang tên Rue du Pont Japonnais, tức Phố cầu Nhật Bản. Ngày nay, đường Trần Phú rộng khoảng 5 m với nhiều ngôi nhà không có phần hiên, kết quả của lần mở rộng khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hai con đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng hình thành muộn hơn, đều do bùn đất bồi lấp. Đường Nguyễn Thái Học xuất hiện năm 1840, sau đó được người Pháp đặt tên là Rue Cantonnais, tức Phố người Quảng Đông. Đường Bạch Đằng ra đời năm 1878, nằm sát bờ sông nên xưa kia từng có tên gọi là Đường Bờ Sông. Nằm sâu về phía thành phố, tiếp theo đường Trần Phú là đường Phan Chu Trinh, con đường mới được xây dựng thêm vào khoảng thời gian sau này. Trong khu phố cổ còn nhiều đường hẻm khác nằm vuông góc với đường chính kéo dài ra đến tận bờ sông.
Đường Trần Phú là con đường chính, nơi tập trung nhiều nhất những công trình kiến trúc quan trọng, cũng như những ngôi nhà cổ điển hình cho kiến trúc Hội An. Nổi bật nhất trong số này là các hội quán do người Hoa xây dựng để tưởng nhớ đến quê hương của họ. Nếu bắt đầu từ Chùa Cầu, sẽ thấy năm hội quán trên đường Trần Phú, tất cả đều bên số chẵn: Hội quán Quảng Đông, Hội quán Trung Hoa, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quỳnh Phủ và Hội quán Triều Châu. Ở góc đường Trần Phú và Nguyễn Huệ là miếu Quan Công, di tích đặc trưng cho kiến trúc đền miếu của người Minh Hương ở Việt Nam. Ngay sát miếu về phía Bắc, có thể thấy Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa Hội An, nguyên trước đây là ngôi chùa Quan Âm của dân làng Minh Hương. Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh và Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch cũng nằm trên con đường này. Theo đường Trần Phú, đi qua Chùa Cầu sẽ dẫn tới đường Nguyễn Thị Minh Khai. Những ngôi nhà truyền thống ở đây được tu bổ và bảo tồn rất tốt, phần lối đi bộ hai bên được lát gạch đỏ, phía cuối đường là vị trí của đình Cẩm Phô. Phía Tây đường Nguyễn Thái Học có một dãy phố được hình thành bởi những ngôi nhà có kiến trúc mặt tiền kiểu Pháp, còn phần phía Đông là khu phố mua bán nhộn nhịp với những ngôi nhà kiểu hai tầng, diện tích lớn. Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An nằm ở số 33 của con đường này là ngôi nhà cổ lớn nhất khu phố cổ, có chiều dài 57 mét, chiều ngang 9 mét. Trong mùa mưa bão, đường Nguyễn Thái Học và khu vực xung quanh thường bị ngập lụt, dân cư phải sử dụng thuyền để đi mua sắm và đến các quán ăn. Khu phố phía Đông phố cổ từng là khu phố của người Pháp. Trên đường Phan Bội Châu, dãy phố phía Tây được xây dựng san sát những ngôi nhà với mặt đứng kiểu châu Âu, đa số một tầng. Nơi đây từng là nhà ở của các công chức dưới thời Pháp thuộc.
Một góc phố cổ trên cao
- Chùa Cầu – Một trong những di tích lịch sử của Phố Cổ Hội An
Nhắc đến Hội An, du khách chắc chắn không muốn bỏ lỡ “biểu tượng của Hội An” – Chùa Cầu. Chùa Cầu, hay còn được gọi là Chùa Nhật Bản nằm tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, là công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu ở Hội An. Ngôi chùa này được các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại đây xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16.
- Nhà cổ Tấn Ký
Là ngôi nhà cổ vinh dự trở thành Di sản cấp Quốc gia và là nơi duy nhất đón tiếp các Nguyên thủ Quốc gia, chính khách trong và ngoài nước. Nhà cổ kết hợp giữa lối kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Với kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ, địa điểm này gồm hai thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho thiên – nhân và 5 thanh dọc tượng trưng cho ngũ hành. Kiến trúc hài hòa của ngôi nhà nói lên mơ ước về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên tại phố Hội.
- Nhà cổ Quân Thắng – Một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn tại Hội An
Là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa. Qua năm tháng, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân, những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây. Được biết, toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế của ngôi nhà này đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện.
- Nhà cổ Phùng Hưng
Nhà cổ Phùng Hưng được xây dựng cách đây hơn 100 năm trong thời kỳ phát triển của đô thị Hội An. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là người Việt buôn bán phát đạt và giao lưu rộng rãi. Ông đặt tên cho ngôi nhà là Phùng Hưng có nghĩa là Hưng Thịnh với mong muốn gia đình luôn làm ăn phát đạt. Xưa kia đây là tiệm bán các mặt hàng lâm thổ sản như quế, tiêu, muối, các mặt hàng lụa tơ tằm, đồ sứ, thủy tinh…chủ nhân hiện nay là con cháu thuộc thế hệ thứ 8 vẫn còn sống và bảo quản nhà cổ. Đây là một trong những mẫu nhà đẹp nhất của kiến trúc cổ Hội An.
Đây là kiểu nhà buôn bán phổ biến thế kỷ 19 tại các đô thị ở Việt Nam: nhà hình ống, mặt tiền rộng, vật liệu chủ yếu là gỗ. Nhà cổ Phùng Hưng có kiến trúc tổng hợp của ba trường phái kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Hệ thống ban công và cửa là của người Trung Quốc. Mái nhà ở gian giữa có bốn hướng gọi là mái “tứ hải” là kiến trúc Nhật. Còn lại là hệ thống sườn gỗ, xà ngang, xà dọc, mái truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau là của Việt Nam. Với hệ thống 80 cột gỗ lim tất cả được đặt trên chân đá để tránh việc tiếp xúc chân cột với đất.
· Giếng cổ Bá Lễ
Giếng cổ Bá Lễ (Ảnh – eugenethegood)
Đã từ lâu, giếng Bá Lễ không chỉ là nguồn sống cho những gia đình gánh nước thuê mà còn cho hàng trăm hộ dân khác, từ những gánh hàng rong đến những nhà hàng sang trọng. Những món đặc sản của Hội An như cao lầu, mì quảng, xí mà… đều không thể ngon, đúng vị đặc trưng nếu dùng nước giếng khác để chế biến.
Nước giếng Bá Lễ còn dùng để phục vụ du khách. Nhiều người khi đến Hội An đều mong muốn uống một ngụm nước giếng này thử hương vị thế nào. Vì lẽ đó, một gia đình ở đường Nguyễn Thái Học, con đường dẫn vào giếng Bá Lễ trang bị sẵn một chum nước giếng với dòng chữ “Nước giếng dành cho du khách”. “Món đặc sản” này thu hút nhiều du khách, nhất là du khách quốc tế đến thưởng thức.
Theo nhiều người già ở Hội An thì giếng Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa (khoảng từ thế kỷ thứ VIII-IX). Chất liệu làm giếng cổ bằng gạch mà không dùng vôi vữa kết lại. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Không phải giếng bình thường như ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, giếng Chămpa Hội An được xem như một giá trị văn hoá vật thể phản ánh đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chămpa tại đây từ hơn 10 thế kỷ trước. Qua nhiều nguồn tư liệu cho biết, người Chămpa xưa đào giếng, ngoài việc phục vụ nhu cầu hàng ngày, họ còn trao đổi nước ngọt với các thuyền, tàu buôn nước ngoài đến cảng thị Hội An. Điều kỳ lạ là cho đến hôm nay, người Hội An vẫn sử dụng hầu hết các giếng cổ này vì giếng rất trong, sạch và ngọt. Điều này thể hiện trình độ chọn đất hay sự am hiểu về phong thuỷ rất cao.
Hội quán Phúc Kiến
Hội quản Phúc Kiến
Sử Trung Hoa kể rằng, vào thế kỷ XVII, năm 1649, ở Trung Quốc, nhà Thanh diệt nhà Minh, lập ra triều Mãn Thanh. Các tướng lĩnh triều Minh không thuần phục, nỗi dậy phản Thanh phục Minh và đã bị thất bại. Nhiều người trong số họ đã đưa gia đình lên tàu vượt biển đến xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có Hội An. Họ đã xin Chúa Nguyễn cho phép định cư ở Hội An, và thành lập ở đây làng Minh Hương, đó là những người dến từ 5 bang chính: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Haka hay còn gọi là Hẹ. Vì người Hoa cũng như người Việt sống mang tính cộng đồng rất cao, để có thể đoàn kết cùng nhau buôn bán, tương trợ lẫn nhau khi hoạn nạn mỗi bang đã lập nên cho mình một hội quán. Hội quán Phúc Kiến nỗi tiếng bởi vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, uy nghiêm trong một không gian rộng lớn, kiến trúc đặc sắc kiểu Trung Hoa và sự linh thiêng của nó.
Hội quán Phúc Kiến là nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái, các vị tổ tiên và là nơi họp đồng hương và giúp dỡ lẫn nhau của người Phúc Kiến, những người đến Hội An sớm nhất và đông nhất. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu tại Hội An được xây dựng vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp của Hoa Kiều bang Hội Quán Phúc Kiến càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô diểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An.
Trước kia Hội quán được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ nhưng đến năm 1757 đã được xây lại bằng gạch và mái gói. So với các Hội quán khách ở Hội An như Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam … thì Phúc Kiến có không gian rộng và sâu nhất
Hội quán Quảng Đông
Cổng vào Hội quán Quảng Đông
Hội quán được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Nghệ thuật sử dụng hài hòa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và họa tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hiện nay hội quán còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: 4 bức hoành phi lớn, 1 lư trầm lớn bằng đồng cao 1,6m rộng 0,6m, 1 cặp đôn sứ men ngọc Trung Quốc… Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15/1 âm lịch) và vía Quan Công (24/6 âm lịch), hội quán lại tổ chức lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.
Hội quán Triều Châu
Hội quán Triều Châu (Ảnh – Alex)
Hội quán Triều Châu hay còn gọi là chùa Âm Bổn, tọa lạc tại 157 Nguyễn Duy Hiệu. Hội quán Triều Châu được Hoa kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng riêng của người Triều Châu ở Hội An. Hội quán thờ các vị thần chế ngự sóng gió, qua đó cầu mong việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm, xuôi gió. Hội quán là một công trình kiến trúc với bộ khung gỗ chạm trổ tinh xảo, cùng những họa tiết, trang trí bằng gỗ theo các truyền thuyết dân gian và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.
Biển An Bàng
Bãi biển An Bàng cách trung tâm Hội An khoảng 5km
Chỉ đến khi có mặt trong danh sách 50 bãi biển đẹp nhất thế giới của trang CNNGo, An Bàng mới được nhiều người biết đến dù nó chỉ nằm cách biển Cửa Đại hơn một km. Bãi Biển An Bàng, thuộc phường Cẩm An, nằm cách trung tâm Phố Cổ Hội An khoảng 3km về phía Đông; có chiều dài khoảng 4km với cảnh quan tự nhiên trong lành và thảm thực vật khá đa dạng. Vì mới được hình thành nên Bãi Biển An Bàng vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ và tĩnh mịch.
Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà hiện vẫn đang hoạt động
Có nguồn gốc Thanh Hoá, làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Cẩm Hà được hình thành từ cuối thế kỷ 15 và phát triển mạnh cùng với cảng thị Hội An trong các thế kỷ kế tiếp. Sảm phẩm gốm Thanh Hà được làm từ nguồn nguyên liệu chính là đất sét bởi những bàn tay điêu luyện của nghệ nhân và kỹ thuật truyền thống của làng nghề. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống … mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Cho đến nay, làng gốm Thanh Hà vẫn tồn tại và hoạt động sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống. Chính vì thế làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghề gốm cổ truyền của Việt Nam nói riêng cũng như của vùng Đông Nam Á nói chung.
Làng rau Trà Quế
Ngoài trồng rau, Trà Quế cũng là một điểm du lịch ưa thích của du khách
Làng rau truyền thống Trà Quế thuộc phường Cẩm Hà, Tp Hội An. Rau xanh Trà Quế nổi tiếng từ rất lâu với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông Cổ Cò nên có hương vị đặc trưng riêng. Trà Quế không chỉ là thương hiệu nổi tiếng về làm rau sạch chất lượng cao mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Làng Mộc Kim Bồng
Làng Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng, nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Từ làng nhìn qua bên kia sông là khu phố cổ Hội An. Đây là một vị trí thuận lợi vừa không cách xa trung tâm đô thị, vừa dễ dàng trong việc giao thông – vận chuyển vật liệu bằng đường thủy để phát triển ngành nghề.
Khám phá ẩm thực Hội An
Ăn gì ở Hội An? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó trả lời. Hội An không chỉ nổi tiếng bởi những góc phố xưa cũ như thể vừa bước ra từ phim ảnh mà còn được mệnh danh là thiên đường ẩm thực Việt Nam . Thật khó để chọn ra được đặc sản Hội An yêu thích bởi mỗi món ăn đều có hương vị rất riêng. Sau đây là một số món ăn mà bạn không thể bỏ qua đâu nha!
1. Cao lầu Hội An
Không quá lời nếu bảo rằng nếu chưa ăn cao lầu thì xem như chưa từng đến Hội An. Sợi mì cao lầu có màu vàng sáng, do bột được trộn cùng với tro củi tràm tạo nên hương vị đặc biệt. Cao lầu thường được ăn chung với tôm, thịt heo, xá xíu, rau sống…. Nước dùng ít nhưng đậm vị, tạo nên “linh hồn” cho món ăn được xem là tiêu biểu cho nét đẹp xưa cũ của phố cổ.
Không quá khó để tìm thấy một cửa hàng bán cao lầu “chuẩn chỉnh” ở Hội An. Thế nhưng nếu phải lựa chọn thì bạn hãy ghé đến tiệm cao lầu Liên - nằm ở số 16, Thái Phiên. Bắt đầu từ một gánh hàng rong nhỏ, cửa hàng đã tồn tại hơn 30 năm nhưng chưa một lần vắng bóng thực khách lui tới.
Một số tiệm cao lầu ngon ở Hội An khác mà bạn nên cân nhắc là:
- Cao lầu Thanh: 26, Thái Phiên, Hội An
- Cao lầu Hồng: 18, Thái Phiên, Hội An
2. Mì Quảng Hội An
Đã đến miền Trung thì nhất định phải ăn mì Quảng. Mộc mạc, giản dị mà tinh tế, không biết từ lúc nào, mì Quảng đã trở thành cái tên yêu thích của giới sành ăn. Sợi mì Quảng màu trắng đục, mềm và dai. Mùi gạo thơm của mì hoà quyện trong nước dùng đậm đà, beo béo ăn cùng với rau sống, đậu phộng rang, tôm, thịt, trứng lòng đào… quả thật là tuyệt hảo. Ăn kèm với bánh đa giòn tan mới thực sự đúng điệu.
Bên cạnh phiên bản truyền thống, còn có món mì Quảng ếch độc đáo. Chắn chắn sẽ rất thích thú khi được tự tay trộn mì cùng ếch um trong thố sứ thơm phưng phức. Đây cũng là món ăn rất được lòng nhiều sao Việt, ví dụ như Chí Tài, Đàm Vĩnh Hưng, Trường Giang, Ngô Kiến Huy, Trương Quỳnh Anh….
Mách bạn các cửa hàng mì Quảng Hội An ngon:
- Mì Quảng Cô Sinh: 170/5, Lý Thường Kiệt, Hội An
- Mì Quảng Ông Hai: 6A Trương Minh Lượng, Cẩm Châu, Hội An
- Mì Quảng ếch Bếp Trang - nhiều chi nhánh tại Đà Nẵng
3. Hoành thánh
Dù là món ngon có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoành thánh Hội An vẫn sở hữu hương vị rất thuần Việt. Vỏ hoành thánh vàng ươm, mềm dai ôm lấy phần nhân tôm thịt đầy đặn rồi ăn kèm với gan heo, hẹ, trứng lòng đào…. Nếu không thích món nước thì bạn có thể chọn hoành thánh chiên giòn, chấm thêm chút tương ớt cũng “rất gì và này nọ” đấy.
Chỗ bán hoành thánh ngon ở Hội An:
- Anh Dũng: 14, Bà Triệu, Hội An
- Thanh Thanh, 152, Trần Phú, Hội An
- Vạn Lộc: 27, Trần Phú, Hội An
- Nhà hàng Ẩm Thực Cẩm Phô - ở chân Chùa Cầu, Phố Cổ Hội An
4. Bánh đập hến xào
Bánh đập hến xào là đặc sản Hội An nức tiếng gần xa mà #teamKlook nên thử ít nhất một lần trong đời. Hến tươi được xào cùng với gia vị, rau răm, hành tây, hành phi, đậu phộng, tương ớt,… đến khi dậy mùi thơm phức. Sau đó, ăn cùng với bánh đa hoặc bánh đập và chan thêm nước chấm chua ngọt. Dù nguyên liệu và cách chế biến không quá phức tạp, rất khó để tìm được cửa hàng bán hến xào bánh đa có hương vị thơm ngon, đậm đà đúng chuẩn phố cổ. Giá của món ngon này cũng khá “mềm”, chỉ từ 20.000đ thôi.
Dưới đây là một vài cửa hàng bán bánh đập hến xào ngon ở Hội An:
- Quán hến xào Bà Già: thôn 1, Cẩm Nam, Hội An
- Tiệm Cẩm Nam: 679, Hai Bà Trưng, Hội An
- Quán Có Ngay: Nguyễn Tri Phương, Cẩm Nam, Hội An
5. Cơm hến
Nhiều du khách Hàn Quốc nói vui rằng cơm hến chính là bibimbap của người Việt. Hến được xào chín cùng nước hến, mắm ruốc, tóp mỡ, vụn mì chiên giòn, ớt màu, đậu phộng... rồi trộn ăn cùng với cơm và rau thơm. Cơm hến là đặc sản trứ danh của xứ Huế nhưng cũng được người dân Hội An yêu quý. Không cầu kỳ hay cao cấp, cơm hến "hớp hồn" du khách bởi hương vị bình dị mà đậm đà khó quên.
Nơi bán cơm hến ngon ở Hội An:
- Quán Cường: 01, Nguyễn Hoàng, Hội An
- Món Huế Hội An: 21A, Trần Cao Vân, Hội An
6. Bánh ướt cuốn thịt nướng
Một phần bánh ướt cuốn thịt nướng đầy đủ bao gồm thịt xiên nướng cháy cạnh có rắc chút đậu phộng, bánh ướt, rau sống và nước chấm mặn ngọt. Bạn cho rau sống và thịt nước và lớp bảnh ướt mềm, cuốn lại rồi thưởng thức cùng nước chấm đậm đà. Món này được bán nhiều ở các quầy hàng rong cạnh bờ sông Hoài, “gây thương nhớ” cho đông đảo du khách lẫn người dân địa phương. Thịt xiên thường được nướng tại chỗ nên lúc nào cũng nóng, giả chỉ từ 5.000đ/xiên.
Nơi bán bánh ướt cuốn thịt nướng ngon tại Hội An:
- Chị Sương: vỉa hè công viên Kazik
- Ngã tư Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo
- Xung quanh sông Hoài
7. Bánh vạc
Vào những chiều trời mưa rả rích, thưởng thức một dĩa bánh vạc nóng hổi và ngắm phố xá lên đèn thì còn gì thi vị bằng. Từng chiếc bánh trắng muốt, trong veo được tạo hình khéo léo, quả xứng với biệt danh “bánh hoa hồng trắng”. Vỏ bánh vạc được làm từ bột mì, được lọc đi lọc lại nhiều lần đến khi đạt độ trong nhất định. Phần bột bánh mềm dai ôm trọn lấy nhân tôm thịt mặn mà. “Nhấn nhá” thêm một chút hành phi và nước mắm tỏi ớt chua cay là có ngay món đặc sản Hội An thơm ngon.
Địa chỉ bán bánh vạc ngon ở Hội An:
- Quán Bông Hồng Trắng: 533 Hai Bà Trưng, Cẩm Phổ, Hội An
- Các gánh hàng rong ở phố cổ và chợ Hội An
8. Chè Hội An
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, Hội An đích thị là “thiên đường của chè”. Nếu không cẩn thận, tín đồ hảo ngọt chắc chắn sẽ “lạc trôi” giữa vô số loại chè thơm ngon, từ chè mè đen (chí mà phù), chè trôi nước đến chè hạt sen, chè bắp, chè thưng, chè đậu xanh, chè đậu ván…. Giá chỉ từ 5.000đ cho một chén chè nóng hổi ngọt ngào. Muốn thưởng thức chè ngon đậm đà quốc hồn quốc tuý? Cứ hướng Hội An mà thẳng tiến.
Ở Hội An còn có một món chè độc-nhất-vô-nhị. Đó chính là chè trôi nước thịt heo. Trông có vẻ giống như chè trôi nước bình thường nhưng phần nhân của viên trôi nước lại chính là thịt heo đậm vị, ăn mãi mà không thấy chán. Bạn có thể thưởng thức món chè Hội An ngon nức nở này tại cửa hàng chè trôi nước Bà Mười, số 4, đường Hoàng Diệu.
Danh sách các tiệm chè ngon ở Hội An:
- Chè hạt sen Bà Năm: 01, Hoàng Văn Thụ, Hội An
- Chè thưng Cô Lệ: 69, Cửa Đại, Cẩm Châu, Hội An
- Chè trôi nước Bà Mười: 04, đường Hoàng Diệu, Hội An
- Chè Xíu Mà (chè mè đen): gánh hàng rong trên đường Nguyễn Trường Tộ, Hội An
- Chè thập cẩm Cô Sương: 57, Trần Cao Vân, Hội An
- Chè Cô Liên: 03, Nguyễn Huệ, Hội An
9. Bánh bèo
Nếu người Hà Nội thích phở, người Sài Gòn chuộng hủ tiếu thì người Hội An rất “bồ kết” bánh bèo. Bánh bèo Hội An không chỉ nổi tiếng vì phần bột bánh mềm mại như tan chảy ngay trong miệng mà còn bởi đủ loại toppings thịnh soạn, với tôm khô, chả cá, đậu phộng, tóp mỡ giòn rụm… dùng kèm nước chấm chua ngọt. Một chén bánh bèo chỉ có giá từ 2.000đ thôi.
Ăn bánh bèo Hội An ngon ở đâu?
- Quán Bà Bảy: 02, Hoàng Văn Thụ, Hội An
- Bánh Bèo Chén: 48, Trần Phú, Hội An
- Bánh bèo Cô Tại: bưu điện Hội An
- Bánh bèo Cô Tú: đường Phan Đình Phùng, hẻm bên cạnh Bệnh viện Thái Bình Dương
- Quán Chị Hà: kế bên tiệm café Cát Tiên, đường Nguyễn Tất Thành
10. Bánh xèo Hội An
Không giống với bánh xèo miền Nam, bánh xèo Hội An - hay bánh xèo xứ Quảng - có kích thước nhỏ xấp xỉ một bàn tay. Nhân bánh làm từ giá, tôm, thịt… nồng nàn mùi hải sản, bao bọc bởi vỏ bánh vàng ươm giòn tan. Người nấu sẽ đổ bánh xèo khi thực khách đang ăn, để đảm bảo độ nóng và thơm ngon của bánh. Bánh xèo Hội An nếu chỉ ăn không thì rất dễ ngán. Người sành ăn sẽ cuốn bánh trong rau sống rồi thưởng thức cùng nước chấm chua ngọt. Một người có khi phải ăn đến 4-5 bánh mới đã thèm.
Tiệm bánh xèo ngon ở Hội An:
- Giếng Bá Lễ: 45/51, Trần Hưng Đạo, Hội An
- Sông Hoài: 59/32, 18 Tháng 8, Hội An
- Hải Đảo: 160, Lý Thái Tổ, Cẩm Châu, Hội An
- Cô Anh Hội An: Thoại Ngọc Hầu, Hội An
- Bánh xèo Dũng: 38, Phan Chu Trinh, Hội An
11. Bánh đậu xanh Hội An
Có thể bạn chưa biết: bánh đậu xanh Hội An từng là món ăn danh giá, chỉ dành để dâng tặng cho bậc vua chúa trong quá khứ. Để làm được bánh đậu xanh chuẩn vị, người nấu cần tỉ mẩn chọn loại đậu xanh ruộng vàng thượng hạng. Đậu xanh, sau khi nấu chín, nghiền nhuyễn và nhồi thành bột, sẽ được trộn chung với mỡ chiên giòn; cuối cùng, cho vào khuôn để tạo nên hình dạng đẹp mắt rồi sấy chín. Bánh đậu xanh giòn, vị ngọt, thưởng thức cùng với trà thơm thì trên cả tuyệt vời. Có dịp đến phố cổ, bạn hãy mua bánh đậu xanh nhân thịt về làm quà tặng nhé. Mỗi hộp chỉ có giá khoảng 25.000đ thôi.
Nơi bán bánh đậu xanh nhân thịt ngon ở Hội An:
- Lò bánh đậu xanh Bà Trinh: 62, Lê Lợi, Hội An
- Bánh đậu xanh Hội An: 195, Nguyễn Chí Thanh, Cẩm Hà, Hội An
12. Bánh mì Phượng Hội An
Toạ lạc ở số 2B, Phan Châu Trinh, Hội An, bánh mì Phượng đã từng được đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain nhận xét là “bánh mì ngon nhất thế giới”. Khác với danh tiếng có phần hào nhoáng, tiệm bánh mì Phượng thoạt trông rất dân dã, chỉ có một tủ bánh mì và vài chiếc bàn cho thực khách muốn ăn tại chỗ. Bánh mì ở đây có hơn 20 loại nhân khác nhau, thông dụng nhất vẫn là patê, thập cẩm, bò cuộn phô mai, thịt xông khói…. Mỗi loại nhân đều có hương vị riêng, hoà hợp cùng bánh mì nóng hổi, giòn tan.
13. Cơm gà Hội An
Nếu lỡ phải lòng ẩm thực của phố Hội, bạn chắc chắn sẽ nhớ mãi món cơm gà Hội An “vạn người mê”. Có quá nhiều lý do để “thả tim” cho món đặc sản Hội An kinh điển này, từ thịt gà ta xé phay thơm, dai, đậm vị đến cơm được nấu chín trong nước luộc gà vàng ươm một màu. Cho thêm một ít gỏi đu đủ, hành tây chua ngọt nữa thì quả thật là “mỹ vị nhân gian”.
Các địa điểm bán cơm gà ngon ở Hội An:
- Cơm gà Bà Buội: 22, Phan Châu Trinh, Hội An
- Cơm gà Bà Nga: 08, Phan Châu Trinh, Hội An
- Cơm gà Bà Thuận: 17/4, Hai Bà Trưng, Hội An
- Anh Xí: 47/2, Trần Hưng Đạo, Hội An
- Cơm gà Bà Minh: 20 - 22, Đào Duy Từ, Hội An
Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà, bức tường và cả những con đường. Cùng với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn giữ những nét đẹp xưa cổ trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây… như chính nét bình dị trong tính cách, tâm hồn thuần hậu, chân chất của người dân địa phương.
Phố cổ Hội An vẫn luôn mang một nét đẹp riêng trong từng góc phố, từng mái nhà, và trên những con đường nhỏ. Đến đây, du khách có thể cảm nhận được sự ấm áp trong từng món ăn, từ nụ cười thân thiện, gần gũi của người dân. Thậm chí để cả cây cỏ, không gian nơi đây cũng hấp dẫn du khách. Hãy cùng Kibitravel đặt ngay những tour du lịch giá rẻ, xách ba lô lên và ghé thăm nơi này nhé!
-Hoàng Sang-